Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý: Trấn Ninh nằm ở phía Bắc của huyện cách trung tâm huyện khoảng 22km, Có vị trí toạ độ địa lý: Từ 21058’19”vĩ độ Bắc và từ 106033’55’’ kinh độ Đông.

Trấn Ninh có vị trí phía Bắc giáp với xã Thành Hòa và xã Gia Miễn của huyện Văn Lãng, Phía Đông giáp xã Điềm He huyện Văn Quan và xã Hoàng Việt huyện Văn Lạng, Phía Tây giáp với xã Liên Hội huyện Văn Quan và xã Gia Miễn huyện Văn Lãng, Phía Nam giáp với xã Liên Hội huyện Văn Quan.

Địa hình: Trấn Ninh thuộc vùng núi thấp, có độ cao trung bình khoảng 400m so với mực nước biển. Địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi đá, núi đất xen kẽ các thung lũng nhỏ và nghiêng gây khó khăn đến quá trình sản xuất và đi lại của Nhân dân trong xã, nhưng đó cũng là một trong những điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

Khí hậu: Khí hậu Trấn Ninh chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền Bắc, là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh và khô, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 21,20C. Độ ẩm không khí bình quân: 82,5%. Lượng mưa bình quân năm là 1.500 mm. Do lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa nên gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại. Hướng gió thịnh hành là hướng Đông Bắc và Tây Nam. Xã Trấn Ninh ít bị ảnh hưởng của gió bão nên thích hợp cho phát triển cây trồng dài ngày. Với nền nhiệt độ và số giờ nắng trung bình trong năm là 1.466 giờ rất thuận lợi cho việc bố trí mùa vụ, bố trí cơ cấu các loại cây trồng, là điều kiện để phát triển đa dạng, phong phú các loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới.

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên nước

- Nước mặt: xã có hệ thống sông suối khá phong phú. Một phần đất thuộc 02 thôn Khau Ngòa, Phù Huê năm trên bờ sông Kỳ Cùng chảy qua; Có các suối nhỏ chảy dải từ Còn Pù, Bản Hẻo ra Phù Huê, Ngoài ra còn có một số kênh mương, đạp thủy lợi tạo điều kiện cho phát triển sản suất và cân bằng sinh thái

- Nước ngầm: xã có suối nước ngầm chảy qua dưới lòng đất nên cũng rất thuận lợi cho việc khoa giếng lấy nước phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân.

Tài nguyên đất đai

Theo đánh giá hiện trạng sử dụng đất của xã thì tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 3.312ha. Các loại đất đồi núi của Trấn Ninh thuộc loại đất tương đối màu mỡ, đa số đất có tầng dày trên 50 cm, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ trung bình tới khá. Đặc điểm thổ nhưỡng của xã chủ yếu là: Đất feralit nâu đỏ và màu vàng.  Đây là tiềm năng và cũng là thế mạnh để phát triển lâm nghiệp, phát triển các loại nông sản đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao như: hoa quả, thảo dược,...

Tài nguyên rừng

Rừng là nguồn tài nguyên chiêm ưu thế của xã. Đất lâm nghiệp chiếm phần lớn diện tích chủ yếu trong cơ cấu sử dụng đất của toàn xã. Ngoài hệ thống rừng phòng hộ thì Trấn Ninh nổi bật với các cây rừng nhân tạo chủ yếu là: Bạch đàn, keo, hồi....

Tài nguyên du lịch

Xã Trấn Ninh với dòng sông Kỳ cùng chảy qua, thuận lợi cho phát triển thủy điện cũng là điều kiện để hình thành du lịch sinh thái sông nước. Địa hình các dãy núi đá, núi đất xen kẽ các thung lũng nhỏ nên đã hình thành những hang động như hang Pác Ả, Bản Hẻo,... Ngoài ra việc hình thành các khu vườn cây ăn quả có quy mô cũng là hình thức thuận lợi cho việc phát triển du lịch miệt vườn, thăm quan mô hình sản xuất... Đặc biệt hơn cả khi xã Trấn Ninh là quê hương anh hùng cách mạng Lương Văn Tri với Khu di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri được xếp hạng là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia; kết hợp với những phong tục tập quán tốt đẹp; loại hình dân ca, dân vũ phong phú; lễ hội truyền thống đặc sắc như hội Lồng Tồng mùng 8,9,10 tháng Giêng... Nếu được đầu tư khai thác và phát triển đúng hướng thì xã Trấn Ninh hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến tham quan của khách du lịch với các loại hình kết hợp du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.  

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

2.1. Điều kiện kinh tế

Dân số, đặc điểm dân tộc

Dân số theo số liệu rà soát năm 2020 là 2773 người; trong đó thành phần các dân tộc thiểu số: Nùng 2202 người, chiếm  79,4%, Tày 565 người, chiếm 20,4%, Kinh 03 người, chiếm 0,1%, các dân tộc khác 02 người, chiếm  0,07%.

Mạng lưới giao thông

Trong những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, qua các nguồn và hình thức đầu tư, hệ thống đường tỉnh lộ, liên xã, liên thôn trên địa bàn được cải thiện đáng kể, 100% số thôn có đường giao thông đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa. Chương trình bê tông hoá đường giao thông nông thôn, đường ngõ xóm được triển khai thuận lợi, với cơ chế nhà nước cấp xi măng, ống cống, nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công đã thực hiện trên địa bàn nhiều thôn. 

- Tuyến tỉnh lộ ĐT 232 có chiều dài gần 8km ngang qua địa bàn xã; Tuyến đường Liên xã giữa Trấn Ninh – Song Giang, Trấn Ninh – Liên Hội là những tuyến đường giao thông quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của xã.

          Hệ thống thủy lợi

Toàn xã có khá nhiều công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có các đập thủy lợi quan trong như Đập Phai Slảo, Bản Hẻo, Còn Pù...tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp nước sản xuất, tưới tiêu của bà con nhân dân.

Hệ thống điện

Mạng lưới điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân được quan tâm đầu tư. Đến nay có 5/5thôn có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt trên 90%.

Mạng lưới Bưu chính, viễn thông

Mạng lưới bưu chính của xã gồm có 01 bưu điệnvăn hóa xã, Có 5/5 thôn có báo đến trong ngày. Mạng Bưu chính viễn thông rộng khắp, hiện tại các dịch vụ Bưu chính phổ cập đã được phục vụ đến tất cả các thôn.

Dịch vụ điện thoại cố định: 100% số thôn có điện thoại; mạng điện thoại di động đã phủ sóng di động tới 4/5 thôn.

Mạng Internet tại xã Trấn Ninh chủ yếu là do các doanh nghiệp như Viettel, Vinaphone cung cấp.

2.2. Điều kiện văn hóa - xã hội

Cơ sở hạ tầng ngành giáo dục

Cơ sở vật chất cho dạy và học được tăng cường đầu tư, đến năm 2020 tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố chiếm trên 90%. Thiết bị dạy học được trang bị mỗi khối lớp ít nhất là 01 bộ, sử dụng có hiệu quả đáp ứng cho việc dạy và học. Nhà công vụ cho giáo viên được tăng cường xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho giáo viên.

Cơ sở hạ tầng ngành y tế

Mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và tăng cường cả về trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế. Xã có 01 trạm y tế bố trí đủ các phòng chức năng theo phân tuyến và hoạt động có hiệu quả, trang thiết bị được cung cấp khá đầy đủ.

Cơ sở hạ tầng ngành văn hóa

Thiết chế ở cấp xã: Hiện nay xã có 01 nhà văn hóa xã, có 01 sân thể thao xã đáp ứng cơ bản cho các hoạt động văn hóa, thể thao tổ chức trên địa bàn xã.

 Thiết chế cấp thôn: Hiện nay 4/5 thôn đã xây dựng cơ bản Nhà văn hóa; 01 thôn sáp nhập đang trong quá trình quy hoạch đất để xây dựng.

Hệ thống các di tích và danh lam thắng cảnh

- Khu Lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri – tại thôn Bản Hẻo (Di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được công nhận năm 2015).

- Một số hang động tự nhiên: Hang Pác Ả, Bản Hẻo...

About